Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017. Toàn ngành đặt mục tiêu XK cả năm sẽ đạt con số trên 40 tỷ USD, đóng góp tích cực vào kim ngạch XK hàng hóa của cả nước.
“Bức tranh” XK nông, lâm, thủy sản nói chung khá tươi sáng. Tuy nhiên, phân tích kỹ lưỡng sẽ thấy để XK đạt độ bền vững không phải điều đơn giản. Hiện nay, đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn được XK dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp. Tổn thất sau thu hoạch nông sản ở mức 25 - 30%.
Theo như chia sẻ của lãnh đạo một DN chuyên XK trái cây thì, vào tháng 8/2017, DN này đã thiệt hại lớn khi hai lô hàng khoảng hơn 400 tấn vải vừa sang tới cảng hàng không phía Australia đã phát hiện thối, hỏng, bị hủy đơn hàng. Ngay mới đây, trong vòng 1 tháng, với ba chuyến XK xoài, DN này tiếp tục lỗ gần 3 tỷ đồng. Sự thua thiệt về tiền bạc cũng như uy tín của DN có nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố mấu chốt được kể đến là công nghệ bảo quản. Giá thành sản xuất còn cao trong khi công nghệ bảo quản, chế biến sâu còn ở mức độ thấp khiến DN “chết dở” khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Dễ thấy, hiện nay đang có ba nguồn cung công nghệ bảo quản nông sản gồm: NK; từ các nhà nghiên cứu trong nước tại các viện, các trường và từ các nhà chế biến không chuyên. Với nguồn công nghệ NK, giá thành khá đắt đỏ. DN sử dụng công nghệ này chỉ phù hợp khi XK hàng hóa vào một số thị trường có giá bán sản phẩm cao chứ không phải phù hợp với mọi thị trường. Đó là chưa kể nhiều ứng dụng công nghệ NK tốt nhưng chưa hẳn đã phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Trước thực trạng đó, nhiều DN quy mô vừa và nhỏ lựa chọn “liệu cơm gắp mắm”, sử dụng công nghệ trong nước từ các viện, trường. Tuy nhiên, khúc mắc ở đây là, khi rủi ro xảy ra, không có đơn vị nào đứng ra hỗ trợ DN. Mọi thiệt hại, rủi ro DN đều phải tự chịu. Theo phản ánh của một số DN thì, để phát triển công nghệ bảo quản, chế biến cho nông nghiệp trong nước, đơn vị sáng lập đã và đang vấp phải quá nhiều khó khăn về quy chuẩn, quy trình thủ tục chứng nhận... Trong khi đó, nếu để DN sử dụng công nghệ trong nước tham gia xoay xở, giải quyết các vấn đề, DN cũng không đủ sức.
Nông, lâm, thủy sản đã, đang và vẫn sẽ là một trong những nhóm hàng XK chủ lực, quan trọng của Việt Nam trong tương lai. Do vậy, bên cạnh mải miết nỗ lực mở cửa thị trường, nâng cao chất lượng mặt hàng…, để hàng XK yên tâm “một đi không trở lại”, chú trọng đầu tư, phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch rõ ràng là điều không thể bỏ qua. Nói như chuyên gia rau quả Đào Thế Anh thì hiện nay rất cần cơ chế hỗ trợ các sáng chế, công nghệ trong nước giúp bảo quản nông sản hiệu quả với giá rẻ hơn so với công nghệ nhập ngoại. Bên cạnh đó, trước mắt, cũng cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho các DN có nhu cầu đầu tư kho lạnh, phục vụ công tác trữ lạnh, bảo quản nông sản sau thu hoạch…
Đức Quang
Nguồn :baomoi.com/nong-san-yeu-khau-bao-quan